Thúy Ngô
Bộ sách phát triển Trí thông minh thiên nhiên cho trẻ (phần 2)
Như mình đã chia sẻ lần trước, bộ sách phát triển Trí thông minh thiên nhiên cho trẻ gồm có 4 quyển là Gấu Nâu trốn ngủ, Bò Rừng tìm chỗ ngủ, Họa Mi tìm tổ và Mầm cây tìm cội. Ở phần hai này, mình xin chia sẻ về hai quyển Họa Mi tìm tổ và Mầm cây tìm cội.
Hai quyển sách này nói về đặc điểm của nhiều loài thực vật khác nhau và là tác phẩm của hai nữ tác giả Oksana Bula và Kateryna Mikhalitsyna.

Họa Mi đã bay một chặng dài từ “lục địa Châu Phi xa xôi, xứ sở của sư tử, voi, ngựa vằn và hươu cao cổ” để tìm nơi làm tổ. Khi thấy một khu vườn um tùm Họa Mi nghĩ “Biết đâu nơi đây sẽ là nhà của mình!?” Nó bay xuống thấp rồi cất tiếng hỏi chị anh đào răng cưa, chị anh đào xem có chú chim nào từng làm tổ trên thân cây này chưa. Nhưng chưa có loài chim nào làm tổ trên hai loại anh đào này, chỉ có đến đậu chốc lát hoặc trộm vài quả mọng thôi.
Họa Mi lại đi hỏi cây lê, kết quả là chỉ có bồ câu và ong bắp cày làm tổ trên cây lê. Sau đó, Họa Mi có cuộc trò chuyện với cây mận Hungary và mận Xenia đến từ Trung Quốc. Bác táo bên cạnh cũng lên tiếng kể cho Họa Mi nghe câu chuyện về vui nhộn trước đây, về những cành được ghép trên thân táo để cây cho ba loại trái khác nhau.
Sau cuộc tranh luận với anh mận anh đào, Họa Mi lại đi tìm nơi có thể làm tổ cho mình. Nó tuyệt vọng bay qua những bụi cây rồi đậu lên một cây bụi thấp khá dẻo dai, là tử đinh hương. Họa Mi kể về bài hát của cha sáng tác và theo lời bài hát, nó được tử đinh hương chỉ đến “bụi cây có bông hoa đỏ đậm”.
Đó là một bụi cây thấp màu xam xám tên là Mộc Qua đến từ Nhật Bản. Và lần này Họa Mi đã tìm đúng cây, như lời cha cô từng hót “Ôi, những bông hoa, những bông hoa đỏ thắm như mặt trời nóng rực, những bông hoa có màu vàng của mặt trời.” Cuối cùng, Họa Mi cũng cất giọng theo cách mà chưa ai trong khu vườn nghe qua, đó là lúc nó đã tìm được nơi làm tổ của mình.
Câu chuyện kể về “mầm cây bé xíu xiu” với hai chiếc lá. Mầm cây nhỏ nhắn thắc mắc không biết bản thân giống cây nào xung quanh. Thế là, nó hỏi chị bạch dương, ông sồi già, chú thanh lương trà xem nó có phải là hạt của các cây đó không, nhưng tất cả câu trả lời đều là không. Mầm cây bé bỏng hơi buồn và tiếp tục đi hỏi cô cây đoan cao lớn, chú cây phong, cô tần bì, ông sung, anh cây dẻ, chị cây dương, chị cây liễu, nhưng tất cả đều lắc đầu.
Cuối cùng, có một giọng nói cất lên từ tốn “Con không giống cô sao?” Mầm cây buồn rầu nhìn lên phía phát ra giọng nói. Đó là một cây có thân màu nâu xám và lá rất khác biệt, rất giống những chú bướm màu xanh lá hay những chiếc quạt. Rốt cuộc, mầm cây giống cây gì, bạn hãy cùng bé khám phá nhé!
Phải nói hai quyển sách là những mảng thiên nhiên sống động và tuyệt đẹp. Trong đó là một hệ sinh thái đa dạng gồm nhiều loài thực vật khác nhau, mới lạ. Bên cạnh đó, người đọc còn được bổ sung nhiều kiến thức hữu ích về thế giới tự nhiên quanh mình. Ví dụ như “bươm bướm thì khác nhau, tuy thế chúng đều có bốn cánh, hai chiếc râu và sáu chân”. Qua đó, các bé sẽ học được những kiến thức hữu ích về thế giới thiên nhiên cũng như phát triển tình yêu thiên nhiên từ bé.
Sở dĩ mình phân chia bộ sách thành hai phần vì khác với hai quyển Gấu Nâu trốn ngủ và Bò Rừng tìm chỗ ngủ, hai quyển sách lần này dài hơn và không có nhiều hình vẽ. Hình ảnh đẹp nhưng không lột tả hết nội dung câu chuyện. Thay vào đó là những dòng miêu tả dài như “Chị nở hoa vào mùa Xuân với những chùm hoa phơn phớt hồng. Rồi những chiếc lá sẽ mọc đầy trên người chị. Lá màu xanh đậm ở phần chót và nhạt dần về phía cuốn. Lá của chị mượt như được phủ sáp và rìa lá thì xẻ răng cưa.” Những dòng miêu tả chi tiết này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát triển trí tưởng tượng và cung cấp thêm vốn từ, chất liệu để bé miêu tả tốt hơn.
Tuy nhiên, có một điểm trừ là sách có vài điểm chưa phù hợp với độc giả Việt Nam, nhất là quyển Mầm cây tìm cội, vì tác giả đang viết về các loài cây nơi tác giả sinh sống, chúng không quen thuộc với chúng ta, thậm chí người lớn cũng thấy lạ lẫm. Đôi lúc, có chút khó khăn cho chúng ta để giải thích cặn kẽ cho bé.
Nhưng nếu nhìn ở góc độ khám phá thiên nhiên, bổ sung vốn từ và làm giàu trí tưởng thì đây vẫn là quyển sách đáng đọc. Mình nghĩ hai quyển này phù hợp với trẻ 5-6 tuổi đã quen đọc sách từ bé. Và đặc biệt phù hợp cho các bé 6-8 tuổi đang bắt đầu học văn. Đẹp nhất là chia câu chuyện thành từng mẩu chuyện nhỏ để kể mỗi tối. Như vậy sẽ không quá tải với trẻ mà còn kích thích bé khám phá, tìm tòi để khỏi bỡ ngỡ khi ra thực tế.
Mỗi câu chuyện là một trải nghiệm riêng để khám phá thiên nhiên quanh mình, ví như họa mi hót hay chứ không kêu chip chip cũng là một kiến thức đắt giá trong thời đại ngày nay. Cho nên bạn có thể cùng bé trải nghiệm để bé chú ý hơn, quan sát tốt hơn và gần gũi hơn với thiên nhiên. Biết đâu, chính bạn cũng sẽ tìm thấy những điều mới mẻ nhờ quyển sách, như mình đây!