Nhớ hồi học tiểu học, khi phong trào thiền nhân điện mới du nhập vào thị trấn nhỏ gần nhà mình. Cô đăng ký cho mình và anh họ tham gia. Hai đứa nhóc loi choi, chỉ mong đi học về để được rong chơi, vậy mà học xong, lại phải cùng người lớn ngồi im, nhắm mắt cả buổi. Với một đứa con nít, đó chẳng khác gì cực hình, chẳng thấy điện và vi diệu đâu, chỉ thấy chán và mỏi, lại không được ngủ, được chơi. May mắn là chỉ vài hôm sau, mình đã được cha giải cứu để trở về với những buổi trưa bình thường quý giá.
Ảnh: Victoria_Art on Pixabay
Thật ra cô cũng có ý tốt, nhưng việc để trẻ con học thiền cùng người lớn hàng giờ là không hợp lý. Sau này, làm việc trong môi trường giáo dục chú trọng tỉnh thức, mình mới biết rằng luyện tập thiền cho trẻ không khó, chỉ cần đúng phương pháp và không nóng vội.
Nhiều người nghĩ rằng trẻ con đang hiếu động và không thích hợp với thiền. Mình hiểu, vì mình cũng cũng từng là đứa trẻ đó. Nhưng thực tế, tại một trường liên cấp nơi mình từng làm việc, trẻ 3 tuổi đã có thể thực hành thiền. Hiển nhiên, sự thực tập ở độ tuổi này rất đơn giản. Không hẳn là ngồi im. Trẻ được bắt đầu với các bài tập thiền ngắn như bước đi, tô màu, ngắm thiên nhiên… Khi bé đã quen dần, sẽ chuyển sang ngồi im, nhắm mắt và tăng dần thời lượng. Các thiên thần nhỏ ngồi yên, nhắm mắt trông rất đáng yêu, trái tim khô cằn nào cũng sẽ tan chảy trước hình ảnh đó. Phải chăng trẻ con ở độ tuổi này vốn đã tỉnh thức!
Đối với các bé tiểu học, thiền vẫn được áp dụng nhẹ nhàng nhưng bài bản hơn. Trẻ ngồi yên lặng, mắt nhắm, hình dung theo sự hướng dẫn rồi chuyển sự tập trung về hơi thở. Tâm trí trẻ là cả một bầu trời trong veo, chẳng có lắm muộn phiền như người lớn để học cách nhận biết và buông bỏ. Chúng ta càng không thể kỳ vọng trẻ loại bỏ hẳn những suy nghĩ bâng quơ, để sống với giây phút hiện tại, để đạt đến sự tỉnh thức. Nhưng việc tiếp xúc sớm với điện thoại, tivi dễ khiến trẻ rơi và tình trạng căng thẳng, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi. Trẻ nhỏ cũng thường dễ nản chí và hay phản ứng mạnh về những gì mình không hài lòng. Và sự thực hành thiền ở nhóm tuổi này có thể ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt.
Tại sao trẻ con cần tỉnh thức?
Ngoài việc giúp trẻ thư giãn, thoải mái, thiền còn giúp trẻ nhận diện, gọi tên cảm xúc. Nhờ vậy, những khó chịu đè nén được giảm bớt, trẻ học được cách điều chỉnh cảm xúc của mình nên trạng thái tiêu cực dần được cân bằng. Nhờ đó, trẻ có thể giải quyết bất cứ khó khăn nào mà chúng gặp phải trong cuộc sống.
Suốt mấy năm quan sát, mình nhận thấy trẻ điềm đạm, ngoan và biết chia sẻ hơn sau khi tập thiền. Nhiều bé bướng bỉnh cũng biết cách kiềm chế cơn giận và tự điều chỉnh cảm xúc. Trẻ ngồi thiền thường xuyên cũng trở nên kiên trì, nhẫn nại hơn. Bên cạnh đó, thực hành các kỹ năng tập trung và chú ý, điển hình là hoạt động thiền còn giúp trẻ nhận thức rõ hơn về cơ thể và các giác quan của mình; giúp chúng xây dựng sự kết nối tốt với thế giới tự nhiên. Từ đó, giúp chúng phát triển sự đồng cảm và lòng trắc ẩn với người khác.
Dạy trẻ tỉnh thức như thế nào?
Bằng cách dạy cho trẻ các kỹ năng thiền định và chánh niệm, bạn sẽ giúp chúng tăng cường hạnh phúc và cho phép chúng đáp ứng những căng thẳng của thế giới với sự hiện diện, lòng từ bi và cởi mở.
Sumi Loundon Kim, một tuyên úy Phật giáo tại Đại học Duke, người làm việc với trẻ con cho biết “Để chơi trò chơi của cuộc sống một cách có đầu óc, bạn phải thực hành chánh niệm”. Ngoài ra, bạn cần làm cho các hướng dẫn đơn giản và không quá lý thuyết, sử dụng các từ và cụm từ mà bọn trẻ có thể dễ hiểu mà không nhàm chán, ví dụ như "con nhận thấy gì" và "con cảm thấy thế nào".
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các bài tập khuyến khích chúng điều chỉnh các giác quan của mình. Đơn giản là bạn có thể thực hiện trò chơi từ việc ăn một món ăn nhẹ thật chậm, thưởng thức mùi, thành phần và hương vị. Hoặc tham gia vào một buổi chiều làm những chiếc lọ lấp lánh với bất kỳ chất liệu nào và cảm nhận chúng. Tự làm các sản phẩm thủ công DIY đóng vai trò là một bài tập sáng tạo và là một công cụ chánh niệm để thể hiện sự lắng đọng của tâm trí đủ sức cuốn hút với một đứa trẻ.
Một hoạt động khác mà trẻ có thể trải nghiệm một cách hào hứng và hiệu quả đó là đi dạo giữa thiên nhiên. Cho trẻ đi dã ngoại tại các trang trại hoặc đi dạo công viên, sân trường để đi chậm lại, quan sát cây cối và sinh vật tự nhiên là cách ngôi trường nơi mình làm việc thường áp dụng. Việc thong thả dạo bước giữa thiên nhiên, ngắm nhìn và cảm nhận chúng, đơn giản nhất là quan sát các lá cây cũng đủ kích thích sự sáng tạo và mang lại sự điềm tĩnh cho trẻ.
Ảnh: Wix
Và cách tốt nhất để cha mẹ dạy một đứa trẻ lối sống tỉnh thức là tự mình thực hành. Đối với những người đang nuôi dạy trẻ, thực hành các bài tập chánh niệm - lý tưởng là thực hành thiền dù chỉ vài phút mỗi ngày - có thể mang lại lợi ích sâu sắc. Nó cho phép những bậc phụ huynh chia sẻ niềm hạnh phúc và chấp nhận một thế hệ mới, đồng thời còn chăm sóc con tốt hơn.
Ngày nay, càng nhiều cha mẹ theo đuổi lối sống tỉnh thức và muốn áp dụng cho con. Nếu có ý định áp dụng việc thực hành tỉnh thức sớm cho trẻ, cha mẹ nên cẩn trọng để hướng dẫn trẻ đúng phương pháp và hiệu quả nhất. Tránh ép buộc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tinh thần của trẻ. Và khơi cảm hứng ở con là điều quan trọng hơn cả!
Đọc thêm: