Nếu có quyển sách nào khiến mình “yêu từ cái nhìn đầu tiên” và quyết định mua liền đó là quyển “Sống bán nông bán X - Triết lý mới về cuộc sống điền viên” của tác giả người Nhật Shiomi Naoki. Đó là những ngày bận rộn với việc nhà và deadline nhưng mình đã bị hớp hồn ngay lập tức khi thấy bìa sách.
Đọc đôi dòng giới thiệu cuốn sách, trong lòng mình dấy lên vài sự thắc mắc:
“Sống bán nông bán X” là gì?
Là một freelancer, “bán nông bán X” có thực sự phù hợp với mình?
Làm thế nào để bắt đầu “sống bán nông bán X”?
“Bán nông bán X” là một cách sống giải quyết vấn đề, một lối sống dự đoán tương lai, và một lối sống biến khủng hoảng thành cơ hội.” Và điều thu hút mình đầu tiên là cụm từ “bán nông bán X”. Nó vừa khiến mình tò mò vừa làm mình sung sướng kiểu như tìm được “chân lý” của cuộc đời. Mình cũng ấn tượng với bìa sách được chia thành hai phần tách bạch với hai mảng màu và font chữ khác nhau. Tuy hai nhưng thực sự chỉ là một với tổng thể là cô nông dân tay cầm bó lúa, tay nâng ly trà cùng nụ cười tươi trên môi. Cảm giác sao giống kẻ làm nông tay ôm bó cỏ, tay gõ bàn phím như mình vậy.
Sơ lược về tác giả
Shiomi Naoki sinh năm 1965 tại thành phố Ayabe, tỉnh Kyoto trong một gia đình có cha mẹ vừa làm nông vừa làm giáo viên. Sau khi nghỉ việc, năm 2000, ông thành lập Viện Nghiên cứu Bán Nông Bán X với chủ trương “vừa làm ruộng vừa theo đuổi X” như một cách sống của thế kỷ 21, một hình mẫu mới của cuộc sống. Ông xem việc khuyến khích cộng đồng “sống bán nông bán X” cũng như hỗ trợ các cá nhân tìm và theo đuổi chữ “X” của mỗi người là sứ mệnh, là công việc để đời của mình.
Ông đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và xây dựng bài giảng liên quan đến chữ “X” ở nhiều nơi. Hiện tại, tư tưởng sống “bán nông bán X” mà ông khởi xướng đang trở thành trào lưu thịnh hành tại nhiều quốc gia.
“Bán nông bán X” là gì?
“Bán nông bán X” được hiểu là sự cân bằng giữa tự chủ được thực phẩm an toàn nhờ làm nông “sinh kế nhỏ” và tận dụng tối đa thiên hướng X của mỗi cá nhân để làm kế sinh nhai. X có thể là thứ hứng thú và làm giỏi, từ đó mang lại thu nhập cho bản thân và tạo ra giá trị cộng hưởng cho nhiều người. Đó là một người phiên dịch vừa mở lớp dạy tiếng Anh vừa trồng lúa, là bà chủ quán trọ đang tự mình làm nông trên cánh đồng ở ngọn núi sau nhà. Cũng có thể là người hướng dẫn làm bánh tận dụng cánh đồng bỏ hoang để trồng kiều mạch. Hoặc là một tác giả sống dựa trên sinh hoạt nông nghiệp đồng thời dùng ngòi bút của mình để gởi đi những thông điệp.
Hiểu theo nghĩa đơn giản, đó là một phong cách sống làm việc 4 giờ và làm nông 4 giờ. Đó là tận hưởng sự vừa đủ, thỏa mãn với những thứ sẵn có, hài lòng với tính ngẫu nhiên, buông bỏ xiềng xích và cho đi những gì mình thích.
Điều mình ấn tượng ở sách “Sống bán nông bán X”
Bên cạnh việc đưa ra một khái niệm mới, sống tự cung tự cấp, tác giả còn bàn về việc “ăn” như thế nào để hòa hợp với tự nhiên, nuôi dưỡng cơ thể và tâm trí. Thói quen ăn uống bắt đầu từ cuộc sống bạn muốn nâng niu và bắt đầu bằng “việc ăn ngon”. Mà một trong số cách ăn ngon là gia đình cùng dùng bữa bên nhau.
Với lối sống “bán nông bán X”, hình mẫu về gia đình quây quần sum họp vốn đã “dần mai một” cũng được tái hiện thi vị qua ngòi bút của tác giả. Ở đó cả gia đình sẽ tập trung trò chuyện với nhau. Hoặc thay vì xem ti vi con cái sẽ sáng tạo một cái gì đó, rồi cha mẹ đọc sách cho con nghe, cùng đi ngủ một giờ. Dù mỗi người ngắm đến một ngọn núi khác nhau nhưng đều ở chung trong một “chiếc lều leo núi”, giúp đỡ nhau, động viên nhau hoàn thành sứ mệnh của mỗi người. Công việc “bán X” giúp người ta có thêm thời gian dành cho gia đình, còn công việc đồng áng dạy cho ta niềm vui của sự hợp tác trong gia đình.
Ý thức được rằng tài nguyên Trái đất và cuộc đời là hữu hạn, tác giả cũng dành nhiều tâm huyết để nói về những vấn đề môi trường qua lối “sinh hoạt phép trừ” với gốc rễ là nghĩ cho người khác. Sống “biết đủ”, chỉ mua những gì cần thiết và xài bền, sắm sửa ít lại dẫn đến số tiền bỏ ra và lượng rác thải đi cũng ít hơn, tiền xăng cũng giảm và không khí bớt ô nhiễm.
Khi bắt đầu cuộc sống “bán nông” cuộc sống của bạn sẽ chậm rãi hơn và thu hẹp lại với những điều đơn giản, nhỏ bé. Có thể sẽ thành “thu nhập sống ít đi, thu nhập tinh thần nhiều lên.” Nhưng đó chính là chìa khóa cho mối liên kết hài hòa giữa con người và cộng đồng, con người với thiên nhiên. Để cùng nhau sống cuộc sống vừa đủ, cân bằng và hạnh phúc.
Ảnh: Unsplash
Mở ra cánh cửa thần kỳ cho người làm việc tự do
“Sống bán nông bán X” là cuốn sách phù hợp với người làm tự do và có trái tim hướng về thiên nhiên như mình. Thông qua cuốn sách mình học được rằng không cần phải chờ đến khi về hưu, hoặc khi trở thành một cây viết có tiếng, có thu nhập cao mới có thời gian làm vườn. Mình hoàn toàn có thể thực hiện song song bằng việc cân bằng giữa “việc mình muốn làm” và “việc có ích”.
Nông nghiệp mang ý nghĩa cảm thụ và tự nhiên. Thời gian làm vườn, một mình tự do với mây trời thời điểm đẹp để suy ngẫm. Đó là thời khắc quan trọng để một người viết nạp năng lượng và khơi nguồn ý tưởng. Nguồn cảm hứng từ thiên nhiên (“nông”) cũng sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến việc sáng tạo và tư duy (“X”) mà với mình là viết lách.
Với công việc viết lách tự do, mình đang dành ít thời gian cho công việc và nhiều thời gian cho gia đình. Và giờ đây thật tuyệt vời khi mình được củng cố lòng tin để sống cùng sở thích cá nhân là trồng cây, làm vườn. Thưởng thức một món nước yêu thích, bên cạnh chiếc máy tính bảng trong khu vườn của mình. Đó là lúc ý tưởng liên tục đến và cảm hứng viết trở nên dồi dào.
Nếu “bán nông bán X” là “một chiếc bè lá nhỏ có thể vượt trùng khơi” của tác giả vào những năm 2000 thì với mình nó như một bản đồ quý giá. Và đến bây giờ khi đã đọc xong quyển sách, mình thầm cảm ơn bản thân vì lúc đó đã đặt sách mà không chút chần chừ.
Cảm giác như cuốn sách viết ra là dành cho mình vậy! Những mơ hồ về một công việc tự do, sự dằn vặt về việc đánh đổi giữa thời gian làm vườn và viết lách bỗng tan biến. Nó được lắp dần bằng một cảnh tượng dễ hình dung hơn, rõ ràng và gần gũi như chính đời sống hiện tại của mình. Cuối cùng, một mục tiêu đầy động lực mới được hình thành sau khi mình đọc xong 329 trang sách. Sống “bán nông bán viết”!