Là một freelancer, có phải bạn thường phải cân bằng giữa nhiều dự án và deadline, khiến việc dành thời gian cho việc đọc sách trở nên xa xỉ. Tuy nhiên, đọc sách không chỉ là một cách để giải tỏa căng thẳng mà còn là nguồn cảm hứng và kiến thức quý báu giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Bài viết này sẽ chia sẻ 5 cách hữu ích để bạn sắp xếp thời gian đọc sách một cách hiệu quả trong lịch trình linh hoạt nhưng bận rộn của mình.
Ảnh: Nadine Shaabana on Unsplash
Có bao giờ bạn định đọc sách, thậm chí lên kế hoạch đọc nhưng loay hoay cả ngày vẫn chưa lật được trang sách nào không? Mình tin rằng sẽ không ít bạn từng như thế. Và mình cũng vậy!
Thật ngại khi nói rằng mình là một kẻ mê sách nhưng không thường đọc sách. Mình có nhiều sách, hễ thấy sách hay là mua. Thế nhưng, chẳng mấy khi mình đọc trọn vẹn một quyển nào. Luôn cho rằng bản thân bận rộn, không đủ thời gian để ngồi xuống đọc sách đó là lý do lớn nhất khiến việc đọc thường xuyên dở dang.
May thay đó là chuyện của trước đây. Đến hiện tại việc đọc đã hòa nhập vào cuộc sống của mình một cách dễ dàng hơn nhờ các cách sau:
1. Thay đổi mindset về thời gian
Vì nghĩ mình bận rộn, vậy nên mỗi phút giây ngồi xuống đọc đều là sự đấu tranh và cần kế hoạch cụ thể. Đây là vấn đề về tư duy quản lý thời gian. Để việc đọc trở nên tự nhiên như một phần cuộc sống, trước hết bạn cần thay đổi tư duy, vì thực tế bạn không quá bận như bạn tưởng.
Việc bạn cần làm là xem thời gian của bạn đang được sử dụng như thế nào. Hãy thử làm một bài tập Time Tracker nho nhỏ sau đây nhé!
Ghi chép lại từng việc mà bạn làm mỗi giờ
Bạn đã dành bao nhiêu thời gian vào sự nghi ngờ, nỗi sợ & suy nghĩ và hành vi giới hạn bạn?
Cụ thể, hãy dùng sổ, điện thoại hoặc bất cứ gì thuận tiện cho sự ghi chép của bạn và ghi lại xem mỗi giờ bạn sử dụng thời gian đó để làm gì. Cho dù là làm dự án, họp hành, làm việc nhà, nấu ăn, ngủ trưa, đi dạo hay lướt mạng xã hội, thậm chí là lúc không làm gì... bạn hãy ghi tất cả chúng xuống. Đây là cách để bạn nhận biết rõ thời gian bạn dành cho từng việc trong ngày là gì.
Mình đã thực hiện bài tập này lúc ở nhà vừa viết, vừa chăm người thân bệnh, vừa phụ việc gia đình, lại thêm một cô cháu nhỏ 5 tuổi luôn theo sát. Vậy mà sau vài hôm thực hiện, mình phát hiện ra bản thân “dư dả và giàu có” hơn mình nghĩ. Mình không rối bòng bong mà trái lại còn có thời gian tập Yoga, gặp bạn bè và có thể ung dung ngồi đọc sách mà không sợ bỏ lỡ công việc.
Lý do là đôi khi chúng ta có nhiều hành động lẫn suy nghĩ vô thức, điều này ngốn khá nhiều thời gian. Và chính lầm tưởng về tình trạng bận rộn đã cản trở chúng ta có thời gian cho việc khác. Nhưng nhìn kỹ lại, chúng ta không chỉ có thêm thời gian mà còn cảm thấy hiệu quả và giàu năng lượng nữa.
2. Tạo thói quen đọc
Một cách đơn giản để tạo thói quen là dành một vài phút vào mỗi buổi sáng khi bạn mới thức dậy, hoặc mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để đọc. Đây là cách tốt để bạn dễ dàng bước vào ngày mới hoặc ổn định tâm trí trước khi đi ngủ.
Với mình, đọc sách trước khi ngủ trở nên hiệu quả hơn 2 năm nay. Việc đọc trước khi ngủ vừa giúp mình thư giãn, vừa chữa được chứng mất ngủ kinh niên. Người ta hay nói vui đọc sách là liều thuốc ngủ hữu hiệu, và nó đúng với mình. Đọc khoảng vài chục trang sách giúp mình dễ đi vào giấc ngủ và có những đêm ngon giấc mà không cần loại trà hay thuốc hỗ trợ nào.
Bạn cũng có thể chọn một thời gian cụ thể mỗi ngày để đọc. Ví dụ như tận dụng thời gian sau khi tập thể dục và tranh thủ đọc vài trang trong khi đợi mồ hôi ráo. Hoặc bất cứ lúc nào bạn thấy sẵn sàng.
3. Làm cho việc đọc trở nên dễ dàng
Thật lý tưởng nếu bạn có thể đọc vào buổi sáng sớm hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nhưng không phải ai cũng sắp xếp được thời gian tuyệt vời như vậy. Và phải làm sao khi việc đọc của bạn thường xuyên bị gián đoạn.
Câu trả lời là chia nhỏ thời gian đọc. Thay vì đặt mục tiêu đọc một mạch ba mươi phút mỗi ngày, bạn có thể đọc nhiều lần, tùy vào khoảng thời gian rảnh bạn có.
Với cách này, bạn cần để quyển sách trong tầm với. Như vậy, dù không có chủ đích ngồi đọc, nhưng khi bạn nhìn thấy cuốn sách của mình, nhiều khả năng bạn sẽ cầm nó lên đọc. Đây là cách mình áp dụng khi làm việc nhà, nhất là lúc nấu ăn. Và mình phát hiện rằng cách này phù hợp với sách giấy hơn. Vì khi cầm điện thoại hoặc iPad, mình sẽ bị sa vào các ứng dụng khác và quên béng đi việc mình cần đọc sách.
Đừng đánh giá thấp việc đọc ngắn này nhé, dù chỉ đọc vài phút một lần nhưng bạn sẽ hoàn thành quyển sách khi nào không hay đấy.
Ảnh: Priscilla Du Preez ca on Unsplash
4. Mang theo một cuốn sách bên mình
Thử tưởng tượng xem bạn phải chờ đợi bao nhiêu lần trong ngày, và bạn thường làm gì trong lúc đó. Việc phổ biến nhất có lẽ là kiểm tra điện thoại. Nhưng nếu bạn luôn mang theo một quyển sách, bạn sẽ có thêm bao nhiêu thời gian để đọc. Hãy nghĩ đến lúc đợi đón con, chờ đến lượt khám sức khỏe hay đợi xe bớt đông vào giờ tan tầm. Thậm chí mỗi lần đợi chỉ mất năm phút, hãy thử cộng lại, ắt hẳn bạn sẽ ngạc nhiên.
5. Đọc những gì bạn thích
Bạn có thể tìm thấy cảm hứng trong danh sách những cuốn sách “hay nhất”, “bán chạy nhất”, nhưng hãy đọc cho chính mình. Bạn sẽ nhớ đọc một cuốn sách mà bạn thực sự quan tâm hơn là quyển mà bạn nghĩ rằng mình phải đọc. Hãy đọc cho niềm vui và kiến thức của riêng bạn.
Bạn lên lịch đọc thường xuyên, nhưng khi cầm quyển sách lại có một áp lực vô hình. Tự tạo áp lực cho bản thân về việc đọc là cách người ta hay làm. Tuy nhiên, việc cố gắng đưa đọc sách vào danh mục những việc cần làm trong ngày trở nên vô ích. Đổi lại, nếu bạn đọc bằng sở thích và niềm vui của riêng bạn, bạn sẽ thấy mình dành nhiều thời gian hơn để đọc vì sự hứng thú với cuốn sách. Bỏ qua việc đọc sách như một nhiệm vụ trong task-list, đọc sách bạn thích sẽ giúp cho việc đọc trở nên nhẹ nhàng hơn.
Thử áp dụng bạn nhé! Hy vọng vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ không còn cảm thấy đang “tìm thời gian để đọc”, “cố gắng dành thời gian để đọc” nữa mà chỉ cần tận hưởng việc đọc và dành thời gian cho những thứ khác.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Mời bạn để lại góp ý hoặc cảm nhận của bạn ở phần bình luận và ghé thăm mình tại Facebook để kết nối nhiều hơn nha!
Đọc thêm: