Bạn là người thích trồng cây trong nhà nhưng không có thời gian chăm sóc cây, thường xuyên phải dọn dẹp vì bụi bẩn do đất trồng và hơn hết là bạn luôn lo lắng khi những nguy hiểm tiềm ẩn trong đất có thể ảnh hưởng đến các bé nhỏ… thì bài viết này dành cho bạn.
Và để hạn chế những thách thức này, mình xin chia sẻ phương pháp trồng cây không cần đất, không cần tốn công chăm sóc nhiều, đó là trồng cây trong chai/ lọ thủy tinh.
Tại sao nên trồng cây trong chai thủy tinh?
Đây chính là trồng cây trong nước, còn được gọi là thủy canh (hydroponics), là một phương pháp trồng cây không sử dụng đất, thay vào đó là cung cấp chất dinh dưỡng trực tiếp cho rễ cây trong một môi trường nước giàu chất dinh dưỡng.
Kết hợp trồng cây thủy canh trong chai thủy tinh không chỉ là một cách để làm đẹp không gian sống mà còn mang lại sự thoải mái và tiện lợi trong việc chăm sóc cây cảnh. Là một người đam mê trồng cây nhưng thường xuyên vắng nhà thì trồng cây trong chai thủy tinh là "chân ái" của mình suốt 3 năm qua.
Mình thường tận dụng các loại chai lọ đã qua sử dụng như chai đựng nước cũ, chai rượu, hũ đựng cà pháo mua ở siêu thị, một bình trà đã vỡ nắp… để trồng cây. Lợi thế của chai lọ thủy tinh là có thể sử dụng lâu dài, mang tính thẩm mỹ do không bị ố vàng như đồ nhựa. Và việc này mang lại những lợi ích dễ thấy sau đây:
Ổn định lượng nước: Trồng cây trong lọ thủy tinh loại bỏ được nguyên nhân hàng đầu gây chết các loại cây trồng trong nhà là tưới quá nhiều nước hoặc thiếu nước. Đây là trải nghiệm ấn tượng nhất của mình và cũng là lý do vì sao mình chọn trồng cây trong lọ đựng nước. Bởi khi còn ở Sài Gòn, mình đã trồng cây trầu bà, hương thảo, lưỡi hổ… trong chậu đất và khi mình có việc đột xuất về quê 2 tuần thì... bạn biết kết cục của chúng rồi đó.
Kiểm soát được sâu bệnh: Không có đất, cây trồng sẽ giảm rủi ro đối mặt với các bệnh hoặc sinh vật gây hại có trong đất, giúp cây cảnh khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Phổ biến nhất là các bệnh nấm hại lá, khi mang chậu đất vào nhà, bị thiếu ánh sáng thì tỉ lệ cây mắc bệnh cao hơn cây trồng trong nước.
Dễ dàng chăm sóc: Với phương pháp này bạn sẽ giảm được nhiều thời gian, công sức vì hầu như chỉ cần nạp nước cho cây. Việc còn lại là thỉnh thoảng mang cây ra phơi nắng và lau bụi cho lá.
Hạn chế rủi ro cho trẻ nhỏ: Nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ thì trồng cây không đất giúp hạn chế côn trùng có thể ảnh hưởng đến bé và nhà cửa cũng hạn chế được bụi đất. Mình từng bị kiến chui vào lỗ tai cắn nên cũng sợ người thân sẽ bị trường hợp tương tự, đây là một lý do khác khiến mình thích trồng cây không đất trong nhà.
Hiệu quả về không gian: Các lọ thủy tinh đựng nước trồng cây thường nhỏ gọn giúp tối ưu hóa không gian và phù hợp với các phòng nhỏ. Mình hay tận dụng các khoảng trống trên kệ đựng đồ, tủ ly, bàn học, tủ sách… để đặt lọ cây. Nó vừa không choáng chỗ vừa mang lại màu xanh mát mắt, bình yên cho căn phòng.
Thân thiện với môi trường: Tái sử dụng lọ thủy tinh để trồng cây giúp tiết kiệm, giảm rác thải và thân thiện với môi trường. Như vậy, trồng cây trong chai thủy tinh không chỉ giảm được những hạn chế khi trồng cây bằng đất mà còn phần nào thể hiện được phong cách, lối sống của người trồng.
Cách trồng cây trong chai thủy tinh
Muốn trồng cây trong chai thủy tinh dễ dàng và ít tốn công chăm sóc, bạn cần:
Chọn loại cây phù hợp: Không phải tất cả các loại cây đều phát triển tốt trong môi trường không cần đất, vì vậy bạn hãy chọn loại cây trồng được trong nước, có kích thước và yêu cầu ánh sáng phù hợp với điều kiện trong nhà.
Sau một thời gian trải nghiệm thì mình nhận ra rằng đa số các loại kiểng lá đều có thể sống trong nước, trong đó mình đã thử qua:
Trầu bà
Phát tài
Lan chi
Môn đốm đỏ
Vạn lộc
Ngọc ngân
Huy hoàng
Lan ý
Huyết dụ
Đinh lăng
Nha đam
Lưỡi hổ
Ảnh: Pinterest
Ngoài ra, một số loại cây ăn quả như bơ, chanh, nhãn… được ươm từ hạt hoặc khoai lang cũng là một cách trang trí bạn có thể tham khảo.
Bên cạnh đó, một số loại cây được gợi ý gồm:
Hương thảo
Lá gấm
Monstera
Húng quế
Sen đá
Thường xuân
Phong lan
Kim tiền
Thài lài tím
Sò huyết
Thu hải đường
Chọn vật đựng phù hợp: Cần chọn lọ/chai/hũ thủy tinh có kích thước phù hợp với loại cây bạn muốn trồng. Mình thường chọn những chai hũ có cổ nhỏ để dễ cố định cây, giúp cây không bị hụt nước đột ngột và phòng ngừa nguy cơ bể vỡ.
Chú ý loại nước: Bởi vì cây sẽ nhận tất cả chất dinh dưỡng từ nước nên loại nước rất quan trọng. Bạn nên sử dụng nước suối đóng chai hoặc nước giếng/ao (đã lắng cặn) thay vì nước máy, bởi nước máy thường bị mất chất dinh dưỡng do quá trình lọc và khử trùng bằng clo. Bạn có thể cân nhắc sử dụng thêm một số dung dịch dưỡng cây khi cần thiết để cân bằng độ pH trong nước, giúp cây khỏe mạnh, phát triển tốt (riêng mình thì hầu như không dùng).
Theo dõi và điều chỉnh: Dù không cần chăm bón nhiều, nhưng bạn cần theo dõi mực nước và nhu cầu ánh sáng của cây. Tùy theo loại cây và kích cỡ vật chứa mà có thời gian châm nước khác nhau. Để an toàn, bạn có thể bổ sung nước cho cây khoảng 2 tuần/lần và quan sát màu sắc của lá để mang cây ra ngoài hấp thụ ánh sáng.
Có một lưu ý đối với những cây cắt cành, bạn cần cắt bằng dụng cụ sắc bén và cắt sát đốt lá để cây dễ ra rễ. Khi cắt xong nên cho ngay vào bình nước để tránh làm cây mất sức và đặt nơi có ánh sáng. Cây thường ra rễ sau 2 tuần và lúc này bạn cần cho nước vừa ngập phần rễ để không bị úng cây.
Giờ đến lượt bạn nhé, hãy làm thử và phản hồi cho mình nha. Chúc bạn thành công!
Đọc thêm: