top of page

Xu hướng thiết kế sân vườn Biophilic 2024: kết hợp không gian trong nhà và bên ngoài

Biophilic (kiến trúc ưa sinh học) là phong cách thiết kế chú trọng kết nối với thiên nhiên. Nó không chỉ là tạo ra những không gian ấn tượng mà còn mang lại môi trường tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Theo các chuyên gia thiết kế cảnh quan, năm 2024 sẽ là một năm bùng nổ của xu hướng thiết kế sân vườn Biophilic với sự kết hợp không gian trong nhà và bên ngoài. 


Xu hướng thiết kế Biophilic là gì?


Biophilic xuất phát từ thuật ngữ “Biophilia”, có ý thể hiện tình yêu tự nhiên của con người đối với thiên nhiên. “Biophilia” được nhà tâm lý học Erich Fromm sử dụng lần đầu tiên vào năm 1964, nhưng mãi đến năm 1984, thuật ngữ này mới trở nên nổi tiếng nhờ nhà sinh vật học Edward O. Wilson.


Theo đó, xu hướng thiết kế Biophilic là khái niệm trong kiến trúc và xây dựng tập trung vào sự kết nối hoà quyện giữa con người với thiên nhiên trong không gian nhà ở. Bằng cách sử dụng cây xanh, nước, đá, ánh sáng,... giúp chúng ta có được cảm giác thoải mái, dễ chịu và tinh thần phấn chấn.


Biophilic trong thiết kế sân vườn 


Trong thiết kế sân vườn, Biophilic là một cách tiếp cận tập trung kết nối con người với thiên nhiên thông qua sử dụng các yếu tố tự nhiên, gồm:


  • Cây xanh: Đây là một yếu tố quan trọng trong thiết kế sân vườn Biophilic. Nó không chỉ giúp lọc không khí, giảm tiếng ồn mà còn tạo ra một không gian sống xanh mát.

  • Nước: Nước là một yếu tố tự nhiên giúp tạo ra cảm giác thư giãn và thoải mái. Các yếu tố nước trong thiết kế sân vườn Biophilic có thể bao gồm bể bơi, hồ nước, thác nước,...

  • Ánh sáng tự nhiên: Ánh sáng tự nhiên mang lại một không gian tươi sáng và tràn đầy sức sống. Các yếu tố giúp mang ánh sáng tự nhiên vào sân vườn Biophilic bao gồm cửa sổ, mái kính, giếng trời…

  • Vật liệu tự nhiên: Các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, tre,... giúp tạo ra một không gian sống gần gũi với thiên nhiên.


Biophilic

Ảnh: Wix


Ngoài ra, kiến trúc sư cảnh quan Rituparna Simlai, thạc sĩ về Kiến trúc Cảnh quan của Đại học Harvard và là người sáng lập Studio Arth tại Miami đã chia sẻ quan điểm rằng:

“Thiết kế Biophilic xuất hiện khi ranh giới giữa không gian trong nhà và ngoài trời tan biến, cho phép chúng hòa quyện một cách liền mạch”.

Trong đó, ranh giới giữa không gian trong nhà và ngoài trời được xóa bỏ bằng cách sử dụng các vật liệu và giải pháp kiến trúc phù hợp. Bà Simlai cũng cho rằng thiết kế Biophilic ngày càng phổ biến bởi những lợi ích đối với sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Minh chứng cho điều này, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc với thiên nhiên có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, tăng cường khả năng tập trung và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.


Ý tưởng thiết kế Biophilic cho nhà và sân vườn


Tạo sự kết nối liền mạch giữa nhà và vườn


Cây xanh là một phần không thể thiếu của thiết kế Biophilic, nhưng để tạo sự kết nối này thì không chỉ cần cây xanh. Cửa sổ và cửa kính lớn cũng là cách tạo sự liền mạch, giúp đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà, mang lại cảm giác mở và kết nối với thiên nhiên. 


Bên cạnh đó, các khu vực chuyển tiếp giữa nhà và vườn như hành lang, lối đi, hoặc sân trong… cũng có thể tạo kết nối giữa nhà và vườn. Bạn có thể sử dụng các vật liệu như gỗ, đá, tre… cho sàn hành lang, lối đi và các vật trang trí để tăng tính tự nhiên.


Đối với mình, điều dễ dàng nhất để kết nối với thiên nhiên trong vườn nhà là thiết kế hai cửa sổ to để tạo cảm giác thoáng đãng và mở rộng không gian. Đôi lúc, ngồi làm việc cạnh cửa sổ, nhìn tán lá cóc len vào song cửa, với tay lên đã hái được trái mà mình tưởng như không có ranh giới nào giữa ngoài vườn và trong nhà. 


Mình cũng trồng nhiều loại cây trước sân, ngay hiên nhà để mỗi sáng bước ra cửa là có thể chạm ngay vào thiên nhiên. Những ngày mưa, không thể thường xuyên ra vườn thì ngồi trong nhà ngắm góc nhỏ này cũng đủ xoa dịu tâm hồn. 


Thúy Ngô. Biophilic

Ảnh: vườn nhỏ trước hiên nhà - Thúy Ngô


Hài hòa giữa môi trường tự nhiên và nhân tạo 


Nếu bạn thích kiểu sân vườn nghệ thuật thì việc kết hợp cảnh quan phù hợp với các tác phẩm điêu khắc, các hình ảnh sáng tạo sẽ mang đến phong cách riêng cho bạn. Emma Martone - người phụ trách Vườn ươm và Vườn bách thảo Mariana H Qubein tại Đại học High Point, NC chia sẻ: “Khi trồng cây xung quanh các tác phẩm điêu khắc, nên chọn những loại cây bổ sung cho màu sắc và kết cấu của tác phẩm điêu khắc, đồng thời sắp xếp hợp lý để làm nổi bật chúng”.


Mình thích các tác phẩm gốm nung truyền thống như cá, rùa, voi… từ Vĩnh Long, Bình Dương nên cũng điểm xuyến trong khu vườn nhà. Tác phẩm gốm đặt trong vườn được cây cối tôn thêm vẻ đẹp cho chúng, còn vườn cây xanh mát thêm màu mộc mạc của gốm càng tăng tính thẩm mỹ. 


Biophilic

Ảnh: Graham & Greene


Tăng diện tích trồng cây, giảm không gian bãi cỏ


Theo thạc sĩ, nhà thiết kế cảnh quan Amber Hine thì “Một trong những xu hướng chính trong thiết kế Biophilic là chúng ta sẵn sàng giảm bớt không gian như bãi cỏ để có thể tăng diện tích trồng trọt”.


Nghe có vẻ khó hiểu nhưng là một người từng ao ước có một sân cỏ kiểng rộng, từng trồng và chăm sóc cỏ kiểng mình hiểu rằng việc trồng một bãi cỏ sẽ không lý tưởng như mình nghĩ. Bãi cỏ xanh luôn được cắt sát đất tạo không gian thoáng nhưng dễ gây nhàm chán. Chúng ta cũng cần thường xuyên chăm sóc cắt tỉa để nó luôn đẹp. Thay vào đó, trồng hoa hay các loại cây khác sẽ mang tính thẩm mỹ, tạo sự đa dạng sinh học cho khu vườn. Vậy nên, một bãi cỏ nhỏ với nhiều cây cối xung quanh sẽ là một lựa chọn lý tưởng. 


Mang cây xanh vào nhà 


Trồng cây trong nhà là xu hướng trong những năm gần đây và là một cách tốt nhất để kết nối nhà và vườn. Bạn có thể tham khảo bài viết Bật mí phương pháp trồng cây trang trí trong nhà không cần đất, không cần chăm sóc để hiểu thêm về điều này. 


Làm xanh mái nhà bằng cây xanh 


Artem Kropovinsky là người sáng lập và nhà thiết kế chính của Arsight, một công ty có trụ sở tại New York chuyên về không gian dân cư và thương mại gợi ý: “Hãy cân nhắc việc tích hợp mái nhà xanh vào thiết kế của bạn”. Nó không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn là giải pháp cách nhiệt, chống nóng cho ngôi nhà. Cách mang vườn vào nhà này dễ thấy nhất ở vườn ban công và sân thượng. 


Tóm lại, thiết kế sân vườn Biophilic là một xu hướng thiết kế đang ngày càng được ưa chuộng. Nếu bạn có ý định thiết kế sân vườn cho ngôi nhà của mình, hãy cân nhắc áp dụng phong cách Biophilic. Với sự kết hợp hài hòa giữa trong nhà và bên ngoài, sân vườn Biophilic hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn một không gian sống xanh mát, thư giãn và đầy cảm hứng.


Tổng hợp và lược dịch: Thúy Ngô 


Xem thêm:



26 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
oi image.jpg
Xin chào,

Mình là 

Thúy là một freelancer, một người sáng tạo nội dung tại thuygarden. Hiện tại mình đang theo đuổi lối sống xanh - tỉnh thức, dần quay về với "khu vườn" của chính mình.

Cám ơn bạn đã ở đây, cùng mình khám phá, trải nghiệm từng sắc màu của khu vườn. Hy vọng từ khu vườn chữ này có thể khởi lên những hạt mầm về một lối sống xanh bền vững cho cả thân và tâm!

  • Facebook
  • Instagram
Thúy-Ngô.jpg
bottom of page