Đọc chủ động đơn giản là đọc một cái gì đó với quyết tâm hiểu và đánh giá mức độ phù hợp với nhu cầu của bạn. Đọc chủ động diễn ra khi mình chủ động tham gia vào quá trình đọc văn bản để hiểu sâu và nắm rõ ý hơn.
Ảnh: Thought Catalog on Unsplash
Mình từng là một kẻ khát đọc, thêm việc hồi nhỏ ở quê không có nhiều nội dung để đọc, nên mình đọc tất tần tật mọi thứ. Bất cứ khi nào cầm được quyển sách, tờ báo hay sách giáo khoa. Điều này hình thành ở mình thói quen đọc từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót phần nào.
Gần đây, khi đọc để phục vụ việc viết, mình nhận ra cách đọc này mất khá nhiều thời gian và không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Đọc đi đọc lại nhiều lần không hẳn là cách để “tiêu hóa” nội dung tốt. Tương tác chủ động và nghiêm túc với nội dung đang đọc mới giúp mình tiết kiệm thời gian hơn. Từ khi hiểu ra và áp dụng việc đọc chủ động, thời gian đọc của mình được rút ngắn, số sách đọc từ Tết đến giờ cũng tăng đáng kể, gấp mấy lần số sách đọc được trong các năm trước. Có hôm mình đã đọc một mạch xong quyển Trái tim người cha chỉ trong vài tiếng. Hoặc như tuần trước, mình đã đọc 5 quyển sách về viết lách chỉ trong 1 tuần.
Dưới đây là một số kỹ thuật để việc đọc của bạn trở nên chủ động hơn, cùng khám phá với mình nhé!
Đọc có mục đích
Có thể hiểu đơn giản đọc chủ động là “đọc có mục đích”. Nó càng rõ rệt khi mình muốn đọc để review một quyển nào đó hay đọc để tìm thông tin cho một việc cụ thể, như viết sách, soạn chương trình cho khóa học...
Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy mục đích đọc sách chi phối quá trình đọc. Khi có mục đích đọc cụ thể, bạn sẽ tránh được việc lan man. Nhờ vậy đỡ tốn thời gian và công sức.
Như khi đọc quyển các quyển sách về viết lách để củng cố lý thuyết cho khóa học viết sắp ra mắt, mình đọc nhanh và nắm ý cũng nhanh. Đặc biệt, khi đọc tập trung mình cũng nhớ kỹ nội dung hơn khi chỉ đọc cho vui.
Có nghĩa là chúng ta cần trả lời câu hỏi “Đọc để làm gì?” rồi mới trả lời câu hỏi “Đọc sách gì? Ở đâu? Đọc như thế nào?”
Mục đích đọc còn quyết định hướng khai thác quyển sách. Tùy vào nội dung bạn đang tìm kiếm, bạn có thể chọn đọc sâu vài phần và đọc lướt nhanh qua các phần khác.
Tìm hiểu thông tin quyển sách
Điều này từng khá mới mẻ và thú vị, mình đã bắt đầu áp dụng nó khi mình tham gia một dự án review sách vào ba năm trước. Và đến nay, khi áp dụng điều này vào khóa học đọc sách dành cho các mẹ nuôi dạy trẻ song ngữ và có nhiều phản hồi tích cực, mình càng tin tưởng vào cách đọc này.
Các thông tin bao gồm:
Tên sách
Tên tác giả
Đơn vị xuất bản
Thời gian xuất bản
Nơi bán
Mình đã không hiểu rõ lý do là gì và cho rằng việc này hơi dư thừa cho đến khi tự cảm nhận lợi ích của nó. Vốn thường quên bất chợt tên sách hoặc tác giả khi cần dùng đến nó, cách này đã hỗ trợ đắc lực được cho “não cá vàng” của mình. Nhất là khi số sách mình đọc ngày càng nhiều.
Ngoài ra, những thông tin này còn rất tiện lợi khi mình tìm kiếm sách, cả khi mua sách mới lẫn lục lọi trong kho sách hiện tại. Ít ra khi quên tên sách mình vẫn còn nhớ tên tác giả, nhà xuất bản. Tuy không phải điều gì to tát nhưng cũng giúp mình tiết kiệm được chút thời gian.
Và khi review sách, chính những thông tin này sẽ mang lại sự hữu ích cho người đọc, bạn sẽ không phải mất thời gian tìm hiểu thêm về quyển sách mình review.
Ảnh: Christin Hume on Unsplash
Đọc và suy ngẫm
Khi bị choáng ngợp trong dòng chảy tri thức vô tận, vừa đọc vừa suy ngẫm, tưởng tượng là điều cần thiết để lĩnh hội đầy đủ nội dung quyển sách. Đọc từng nội dung có suy xét, đối chiếu với kinh nghiệm, kiến thức trước đó để đánh giá sâu sắc về thông tin vừa tiếp cận.
Thoát khỏi lối đọc một chiều, đọc và tư duy giúp bạn bổ sung kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân. Đồng thời, có góc nhìn mới, toàn diện về vấn đề đang tìm hiểu. Với cách đọc này, bạn sẽ thấy mình tiến bộ qua từng trang sách.
Highlighting
Gạch chân hoặc highlight các từ cần ghi chú là cách để tương tác với nội dung đọc. Sau này khi quay lại, bạn sẽ dễ dàng thấy những trọng điểm cần ghi nhớ. Với cách này, bạn hãy ghi chú có chọn lọc, vì quá nhiều highlight sẽ không giúp ích được gì cho bạn.
Là một kẻ “thương hoa tiếc ngọc”, mình đã không “đụng chạm” gì đến sách cho đến khi bắt đầu đọc để có ý tưởng viết. Với cách đọc chủ động, mình chọn gạch dưới bằng bút chì để giữ thẩm mỹ cho sách. Nhờ ghi chú bằng cách này, chỉ cần đọc lướt lại, mình dễ dàng nhớ các ý chính, việc mà mình vật vã suốt mấy năm vẫn chưa khá lên.
Ảnh: Aaron Burden on Unsplash
Bạn cũng có thể chú thích ở lề để tóm tắt các điểm quan trọng, đặt câu hỏi, hoặc ghi lại các ví dụ. Điều này cần bạn suy nghĩ nhiều hơn khi chỉ gạch chân hoặc highlight, vì vậy có thể bạn sẽ nhớ nội dung tốt hơn. Nếu bạn dùng sách in và không muốn ghi chép chi chít trong sách, bạn có thể dùng thử loại sticky note trong suốt.
Sử dụng các ký tự riêng biệt cho những nội dung khác nhau cũng là một cách thú vị. Ví dụ như vẽ ngôi sao vào đoạn đáng lưu ý, trái tim cho đoạn yêu thích và dấu chấm hỏi cho đoạn cần tìm hiểu thêm hoặc còn hoài nghi. Việc này giúp bạn thuận tiện trong việc đọc lại cuốn sách và hỗ trợ tốt cho việc đọc sâu.
Chia sẻ lại những điều đã đọc
Bạn cần nắm được ý chính của quyển sách cũng như thông điệp của tác phẩm để chia sẻ cho người khác. Bạn có thể chia sẻ bằng cách diễn giải, tóm tắt quyển sách hoặc nói về các ý tưởng hay.
Với mình, review sách là cách tốt nhất để ghi nhớ nội dung đọc và chia sẻ những điều hay đến với mọi người. Đó cũng là động lực để mình đọc tập trung và nghiêm túc. Cách này phù hợp với những bạn có phần hướng ngoại như mình. Đây là phương pháp hiệu quả để lưu trữ nội dung sách theo cách của bạn. Qua đó, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc tìm đọc lại.
Tuy nhiên nếu bạn không thoải mái khi chia sẻ đại trà, bạn có thể ghi chú những điều đã đọc và tâm đắc và một quyển sổ nhỏ. Thỉnh thoảng khi nhìn lại nó sẽ gợi nhớ những điều bạn đã đọc. Biết đâu, đây sẽ là những thông tin thú vị để bạn chia sẻ với bạn bè và người thân thiết.
Khi đọc chủ động, chúng ta còn có thể điều tiết tốc độ đọc phù hợp với sự tiếp thu riêng, tùy nội dung văn bản. Không quá nhanh cũng không quá chậm, mấu chốt là khả năng lưu giữ thông tin và nắm bắt nội dung cần thiết sau khi đóng sách lại. Đây là những cách đơn giản mà cũng chẳng mất gì. Vậy thì ngại gì mà không thử, bạn nhỉ?
Hãy chia sẻ với mình quá trình bạn áp dụng các mẹo này ở phần bình luận nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Mời bạn để lại góp ý hoặc cảm nhận của bạn ở phần bình luận và ghé thăm mình tại Facebook để kết nối nhiều hơn nha!
Đọc thêm: