top of page
  • Ảnh của tác giảThúy Ngô

Vượt qua cảm giác "tội lỗi xanh"

Cảm giác "tội lỗi xanh" là một cảm giác hối tiếc, lo lắng hoặc buồn bã về những hành động gây hại cho môi trường. Thậm chí nó có thể là quan niệm rằng bản thân làm chưa đủ tốt để hướng tới một lối sống xanh, bền vững. Từ đó có những cảm xúc tiêu cực như dằn vặt, bất lực hoặc không dám mạnh dạn chia sẻ lối sống tốt đẹp mình đang theo đuổi.


Mình theo đuổi lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên hơn chục năm nay và bạn bè lâu năm hẳn ai cũng biết điều này. Nhưng chắc mọi người không biết rằng ban đầu khi chọn ngách viết mình đã đắn đo bao nhiêu. Bởi ngách sống xanh dễ làm người ta nhớ đến tái chế, tiết kiệm, bảo vệ môi trường,... trước khi biết đến việc tận hưởng thiên nhiên.


Mình cũng muốn chia sẻ về tái chế, tiết kiệm, bảo vệ môi trường vì nó cũng đang dần trở thành một phần lối sống của mình. Tuy nhiên, mình lại cảm giác có lỗi vì chưa làm triệt để. Dù cố gắng hạn chế nhà mình vẫn còn dùng túi nilong khi đi chợ, từ đại covid lại luôn trữ sẵn nước đóng chai để khách đến nhà không ngại, chưa chuyển hẳn sang dùng các sản phẩm xanh... Ngoài cha mẹ và chồng mình, mình cũng chưa thuyết phục được những người thân về lối sống này, dù là những điều đơn giản nhất.


Vậy là mình chọn im lặng, rẽ sang hướng thuần theo đuổi việc truyền cảm hứng về với thiên nhiên, tận hưởng tự nhiên.


Vài ngày trước, nhờ mentor gợi ý mình hãy chia sẻ rộng ra về sống xanh, mình có dịp soi lại những điều đã thực hiện. À, mình làm được nhiều lắm đó chứ!

  • Mảnh vườn nhà mình đã mấy chục năm không dùng thuốc hóa học, mình học được nhiều từ đó để tạo cho riêng mình vườn rau và hoa hữu cơ.

  • Cha mẹ mình đã thực hiện phân loại rác cũng từ thời xửa xưa, khi chưa nghe ai nói gì đến bảo vệ môi trường. Mình cũng biết thêm cách xử lý rác và vẫn áp dụng mỗi ngày.

  • Bản thân mình cũng từng được gọi là "nữ hoàng tái chế" thông qua các cuộc thi tái chế. Ngoài ra, mình vẫn luôn tái chế túi ni lông, lọ gia vị, hộp giấy, thùng carton để chúng sống thêm một vòng đời ý nghĩa.

  • Mình cũng sống khá đơn giản khi ít mua quần áo mới, cố gắng kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chế tối đa mua sắm những vật dụng không cần thiết.

  • Lối sống tiết kiệm cũng là điều mình và gia đình áp dụng nhiều năm nay.


Vậy mà, cảm giác "mình làm chưa tốt, mình có thể làm nhiều hơn, tốt hơn" khiến mình ngại chia sẻ!


Mình quên rằng, chẳng có lối sống nào có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Mọi thứ đều cần thời gian để thích nghi và làm tốt hơn. Và cũng chẳng thể nào vì mình tái chế mấy chai lọ, hạn chế dùng bao nilong mà trái đất thôi nóng lên. Mọi thứ cần quá trình và bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.


Nên mình sẽ bắt đầu từ việc thay đổi cách nhìn, học hỏi, cải thiện lối sống từng ngày và chia sẻ với mọi người. Biết đâu ai đó đang nhen nhóm ý định sống xanh như mình thì sẽ mạnh dạn thay đổi nhỉ.


Dưới đây là một số hình ảnh về lối sống mình đang theo đuổi:


Thúy garden. tái chế

Bàn làm việc được tái chế từ máy may hơn 30 năm trước, ai cũng bảo bán ve chai đi. Cha, mình và chồng cùng hì hục chà rỉ sét rồi sơn lại, trao cho nó một cuộc đời mới. Nhờ vậy, mình có chiếc bàn làm việc độc, lạ, tiết kiệm và đầy ắp kỷ niệm.


Thúy garden. tái chế
Thúy garden. tái chế

Trầu bà được trồng trong lọ thủy tinh tận dụng lại, đây là lọ đựng cà pháo ngâm hay thấy trong siêu thị. Sau một năm thì nó vẫn xanh tươi và cho thêm lá mới.




Thúy garden. tái chế
Thúy garden. tái chế

Chiếc bàn tròn tái chế từ bàn uống trà xiêu vẹo của ba chồng. Mọi người cũng bảo vứt đi nhưng mẹ chồng biết tính mình nên giữ lại. Về đến tay mình là "sứt que gãy gọng", cha đã giúp mình nghiên cứu đóng lại, chà sạch cho mình sơn mới. Vậy là mình cũng có bàn trà để chill chill.


Vượt qua cảm giác "tội lỗi xanh"


Cảm giác "tội lỗi xanh" có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và nền tảng. Nó có thể là một động lực tích cực để thúc đẩy mọi người thay đổi hành vi và bảo vệ môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, trầm cảm, hoặc bất lực.


Nếu bạn đang quan tâm đến môi trường và muốn đối phó với cảm giác "tội lỗi xanh" thì đây là những cách bạn có thể tham khảo:


  • Hành động: Thay vì chỉ cảm thấy hối tiếc, hãy tập trung vào những hành động cụ thể mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ môi trường (và chính bạn). Bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, như tiết kiệm năng lượng, tái chế rác thải, hoặc sử dụng phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường...

  • Kết nối: Tham gia vào các nhóm hoặc cộng đồng hoạt động về môi trường. Giao tiếp với những người có cùng mối quan tâm sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn và có thêm động lực để hành động.

  • Tập trung vào những điều tích cực: Thay vì chỉ nhìn vào những vấn đề môi trường, hãy tập trung vào những điều tích cực mà bạn đang làm. Ghi nhận những nỗ lực của bản thân và ăn mừng những thành công, dù là nhỏ nhất.

  • Chăm sóc bản thân: Cảm giác "tội lỗi xanh" có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân, bao gồm cả việc ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, và tập thể dục thường xuyên.


Cần lưu ý rằng "tội lỗi xanh" không phải là một cảm xúc tiêu cực. Nó có thể là một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy chúng ta thay đổi hành vi và bảo vệ môi trường.

Mình chọn viết ra và chia sẻ với mọi người điều này như một cách đối diện và vượt qua cảm giác tội lỗi này. Đồng thời, thông qua đây mình có dịp nhìn lại lối sống đang theo đuổi, củng cố niềm tin có thêm động lực để tiếp tục sống xanh, bền vững một cách tích cực.


Còn bạn, có bao giờ bạn gặp phải cảm giác "tội lỗi xanh" không? Bạn vượt qua nó như thế nào? Cùng chia sẻ ở phần bình luận nhé!



Xem thêm:

18 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
oi image.jpg
Xin chào,

Mình là 

Thúy là một freelancer, một người sáng tạo nội dung tại thuygarden. Hiện tại mình đang theo đuổi lối sống xanh - tỉnh thức, dần quay về với "khu vườn" của chính mình.

Cám ơn bạn đã ở đây, cùng mình khám phá, trải nghiệm từng sắc màu của khu vườn. Hy vọng từ khu vườn chữ này có thể khởi lên những hạt mầm về một lối sống xanh bền vững cho cả thân và tâm!

  • Facebook
  • Instagram
Thúy-Ngô.jpg
bottom of page