top of page
  • Ảnh của tác giảThúy Ngô

Điểm danh 7 lợi ích của công trình xanh 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp thì trong năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, và năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh. Có thể thấy công trình xanh không chỉ là xu hướng mà còn là một nhu cầu tất yếu bởi rất nhiều lợi ích mà nó mang lại. 


Trong bài viết này, mời bạn cùng mình điểm danh những lợi ích tiêu biểu của các công trình xanh và tại sao chúng ta nên chú ý đến chúng trong các dự án xây dựng nhé! 


Công trình xanh là gì? 


Theo Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua:


  • Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả.

  • Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động.

  • Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.


thuygarden. công trình xanh

Ảnh: Wix


10 lợi ích của công trình xanh 


1.Cải thiện chất lượng không khí trong nhà


Theo Hội đồng Công trình xanh thế giới, chất lượng không khí trong nhà tốt có thể làm tăng năng suất lên đến 11%. Các công trình xanh được thiết kế với hệ thống thông gió hiệu quả và sử dụng vật liệu phát thải thấp, giúp loại bỏ các chất ô nhiễm có hại và duy trì nguồn không khí trong lành. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và dị ứng cho cư dân.


Ngoài ra, từ các yếu tố thiết kế nội thất như ánh sáng được cải thiện, điều kiện nhiệt độ ổn định, tính tiện ích và chất lượng không khí được nâng cao, những người sống hoặc làm việc trong các công trình xanh có sự cải thiện đáng kể về sức khỏe, mức độ căng thẳng và chất lượng cuộc sống. Cụ thể, số liệu từ trang Utilities One cho thấy việc cải thiện chất lượng không khí giúp giảm 35% các ngày bị bệnh. 


2. Tiết kiệm nước


Đối với công trình xanh, việc sử dụng vòi nước và bồn cầu với dòng chảy thấp có thể giảm đến 20% tiền nước. Các dự án xanh cũng ưu tiên bảo tồn nước thông qua việc sử dụng các thiết bị ống nước hiệu quả, hệ thống thu nước mưa và tái chế nước xám (nước thải sinh hoạt từ hộ gia đình bao gồm nước thải từ nhà tắm, chậu rửa tay, máy giặt, nhà bếp nhưng không bao gồm nước thải từ toilet).


Những công trình với hệ thống ống nước và tái chế nước hiệu quả có thể giảm lượng nước tiêu thụ đáng kể. Thực tế, các tòa nhà được chứng nhận công trình xanh LEED sử dụng ít nước hơn trung bình 11% so với các tòa nhà truyền thống. Những tiến bộ này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên mà còn bảo vệ nguồn nước sạch cho thế hệ tương lai.


3. Nâng cao sức khỏe 


Thiết kế công trình xanh ưu tiên chiếu sáng tự nhiên bằng cách kết hợp các cửa sổ lớn, giếng trời... Điều này giúp tối đa hóa lượng ánh sáng mặt trời tràn vào không gian làm việc, giảm đáng kể nhu cầu sử dụng ánh sáng nhân tạo và đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên có thể cải thiện tâm trạng, tăng cường sự tỉnh táo và cả giấc ngủ. Đặc biệt, ánh sáng tự nhiên ban ngày có thể tăng năng suất lên đến 6%.


Bên cạnh đó, các dự án xanh cũng tránh sử dụng vật liệu xây dựng có thể chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có hại hoặc các sản phẩm bằng nhựa thải ra khói độc và chất gây ung thư vào khí quyển. Từ đó, góp phần hạn chế những ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe như vấn đề về hô hấp, dị ứng hoặc thậm chí là nguy cơ mắc các bệnh ung thư. 


4. Giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tinh thần


Không gian xanh như vườn sân thượng hay cây trồng trong nhà không chỉ làm đẹp môi trường xung quanh mà còn tạo ra các khu vực thư giãn, nghỉ ngơi. Cảnh quan xanh như cây cỏ, cây cảnh, và hoa lá giúp giảm căng thẳng và tạo ra không gian lý tưởng để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. 


Ngoài ra, không gian xanh trong công trình còn giúp tạo ra một môi trường sống cân bằng, kết hợp giữa yếu tố tự nhiên và tiện nghi hiện đại. Sự cân bằng này tạo ra một cảm giác an toàn để hòa mình trong môi trường, giúp cải thiện tinh thần và tạo ra trạng thái tinh thần lạc quan.


thuygarden. công trình xanh

Ảnh: Wix


5. Giảm chi phí vận hành và bảo trì


Nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh, chi phí vận hành của công trình sẽ giảm đáng kể, qua đó bù lại các chi phí trong quá trình xây dựng dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ chỉ ra rằng công trình xanh thường giảm mức tiêu thụ năng lượng trung bình 30%, giúp giảm chi phí năng lượng đáng kể cho chủ sở hữu. Ngoài ra, theo báo cáo của Dodge Data & Analytics, chủ sở hữu công trình xanh cũng ghi nhận giảm 19,2% chi phí bảo trì trong vòng 5 năm. 


Ở Việt Nam, theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng, một công trình nếu xây dựng theo xu hướng “xanh” thì chi phí xây dựng sẽ đội lên từ 5 đến 15% so với công trình thông thường. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, một công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 20 đến 30% năng lượng tiêu thụ. Do đó, chỉ sau 4 đến 5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư ban đầu. Chi phí vận hành được giảm nhờ vào việc tối ưu hóa năng lượng sử dụng và tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió,... Qua đó sẽ cắt giảm được nguồn điện tiêu thụ và chi phí xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm cũng được cắt giảm tối đa.


6. Tiết kiệm năng lượng


Một trong những lợi ích đáng kể nhất của công trình xanh là giảm tiêu thụ năng lượng. Theo thông tin từ Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, các công trình có chứng nhận công trình xanh tiêu thụ năng lượng trung bình ít hơn 25% so với các công trình thông thường. Các tính năng thiết kế tiết kiệm năng lượng như cách nhiệt cải tiến, cửa sổ có hiệu suất cao và hệ thống HVAC không chỉ giảm chi phí năng lượng mà còn đóng góp tích cực vào việc giảm lượng khí thải carbon dioxide và hạn chế dấu chân sinh thái.


Việc sử dụng hệ thống chiếu sáng LED là một giải pháp hiệu quả, giảm mức tiêu thụ năng lượng đến 75% so với hệ thống chiếu sáng truyền thống. Đồng thời, việc triển khai các công nghệ tòa nhà thông minh có thể tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng dựa trên công suất sử dụng và điều kiện môi trường.


7. Giảm chất thải và khí thải carbon


Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, chất thải từ xây dựng và phá dỡ chiếm khoảng 40% tổng lượng chất thải phát sinh hàng năm. Bằng cách kết hợp các chiến lược tái chế và quản lý chất thải, công trình xanh góp phần giảm lượng chất thải được đưa đến các bãi chôn lấp. 


Ngoài ra, công trình xanh có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon ít nhất 50% trước giữa thế kỷ XXI. Trong đó, bằng cách chọn vật liệu bền vững và lắp đặt hệ thống sinh thái, một ngôi nhà được chứng nhận công trình xanh LEED có thể giảm lượng khí thải carbon ít nhất 25%.


Nhìn chung, công trình xanh không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn tác động trực tiếp đến người sống ở đó. Hy vọng với những lợi ích này, bạn có thể cân nhắc đưa ra những lựa chọn phù hợp, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. 


Tổng hợp và lược dịch: Thúy Ngô


Đọc thêm:

19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
oi image.jpg
Xin chào,

Mình là 

Thúy là một freelancer, một người sáng tạo nội dung tại thuygarden. Hiện tại mình đang theo đuổi lối sống xanh - tỉnh thức, dần quay về với "khu vườn" của chính mình.

Cám ơn bạn đã ở đây, cùng mình khám phá, trải nghiệm từng sắc màu của khu vườn. Hy vọng từ khu vườn chữ này có thể khởi lên những hạt mầm về một lối sống xanh bền vững cho cả thân và tâm!

  • Facebook
  • Instagram
Thúy-Ngô.jpg
bottom of page