Như đất trời có bốn mùa xuân - hạ - thu – đông, ai cũng phải trải qua giai đoạn thăng trầm của cuộc đời. Và nỗi đau chính là nốt trầm đó, như một mùa đông lạnh với nền trời xám xịt, giá buốt. Phải chăng nỗi đau cũng vận vào phận những người viết?
Sau một thời gian viết liên tục với nhiều chủ đề soi chiếu bản thân và tự vấn, mình cảm giác như vừa tham gia một khoá thiền. Nếu những ngày giữa của khoá thiền Vipassana 10 ngày là thử thách đối diện nội tâm, thì 100 ngày viết vừa qua cũng vậy. Mình được dịp ngồi lại, nhìn ngắm bên trong từ nhiều góc độ, để rồi những gì muốn đè nén nhất có cơ hội trồi lên, như những thước phim chiếu chậm, tua đi tua lại. Cả thiền và viết đều giúp mình nhận thức hơn về bản thân, để biết được nỗi đau vẫn nằm đó, chỉ là mình cố ẩn giấu thôi.
Ảnh: Frans Koning on Unplash
Trong thiền, nếu thực hành đúng, vào những ngày cuối, nỗi đau tinh thần sẽ đi kèm cơn đau thể xác. Đứa trẻ bầm dập bên trong được dịp cáu bẳn, dằn xé để hiển lộ thành những nỗi giày vò trên cơ thể. Những gút mắc còn tồn đọng sẽ thành cơn đau, khi đau bụng, khi đau tay, lúc nhức đầu… Phải nói rằng đó là những ngày đau đớn nhất. Và mình, chỉ có mình, mới tìm ra căn nguyên vấn đề và tự thoát ra. Nếu không tự tháo gỡ được, thì những cơn đau cứ ở đó, quật mình tả tơi. Vào vai một bác sĩ bất đắc dĩ, mình tự mổ xẻ vết thương, soi ngắm kỹ, tự xử lý rồi cũng tự mình vá lại. Đau đó, đau đến tận cùng không ai thấu, nhưng rồi vết thương cũng liền sẹo, ngưng sưng tấy.
Mình đã trải qua hai khóa thiền để nhìn trực diện khổ đau và đi xuyên qua nó. Nên khi đến với viết, dù nỗi đau vẫn hiện ra, không thể chối bỏ, nhưng may mắn là chúng đã được xoa dịu, và không còn nhức nhói. Thế nhưng, dường như vẫn còn chút vụn vỡ, chực nhen nhóm qua từng dòng chữ. Viết mỗi ngày, một lần nữa mình gói ghém lại cảm xúc, dập tắt đống tro tàn âm ỉ.
Ảnh: Sixteen Miles Out on Unplash
Xuân đến, đông tàn, nỗi đau rồi cũng qua, cuộc sống cũng chẳng mãi tối bưng. Bước qua nỗi đau, thực chất là vượt lên chính mình, để có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, để dũng cảm đương đầu, sẵn sàng chấp nhận và bình tĩnh hơn trước những gian nan. Để nỗi đau trở thành chất liệu đẹp khi viết!
Phần lớn bài viết tự do của mình là về nỗi đau, những vết xước nhẹ đủ để lại sẹo, đến khi viết, vết sẹo rõ mồn một mà không còn đau nữa. Nỗi đau không kìm hãm bài viết, mà nó nhắc nhớ, để trân quý cuộc sống, để sống đúng đắn và cảm thông hơn. Khi đó, mình viết bằng sự can đảm bên trong, của một trái tim từng trải.
Như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói “Chính trải qua những sự chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người đấy, nó tìm đến cái tư tưởng, đến tinh thần nhân đạo, nó khiến con người trở nên con người hơn. Tức là sống với nhau một cách tử tế hơn, lương thiện hơn, văn hóa hơn.”
Quãng đường gập ghềnh nào rồi cũng qua, để khi nhìn lại mới thấy khúc cua khó đi lại là một cung đường đẹp. Đau! Chẳng thể tránh. Đau là điểm tựa để đứng dậy, bước tiếp.
Ảnh: Wix
Ngày cuối cùng của khóa Thiền là ngày Thiền từ bi quán, tức là rải yêu thương đến muôn loài. Một kiểu thiền giúp tăng lòng trắc ẩn, yêu thương đối với bản thân và người khác. Viết cũng diệu kỳ như vậy, vượt qua những ám ảnh quá khứ, như đã từng chia sẻ, trái tim mình ngập tràn lòng biết ơn. Càng viết, lòng biết ơn với cuộc sống càng gia tăng. Càng viết, mình càng học được cách mở rộng lòng để tha thứ cho những vụn dại của bản thân và lỗi lầm của người khác. Biết ơn, chính là cách mình đang viết và đang sống.
Mình biết ơn những vấp váp tuổi trẻ, biết ơn những vết sẹo trong lòng vì nhờ đó mà mình cứng cáp hơn. Thêm chút chai sạn như vị cay nồng để món ăn ngon hơn, để mình thêm mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
(*) Bài viết được đăng trên cộng đồng On Writing Daily - Viết đi đừng sợ! vào 23.11.2021, sau hơn 2 năm đọc lại vẫn nguyên cảm xúc nên mình lưu giữ lại đây.
Đọc thêm: