Đọc sâu, hay còn gọi là đọc chậm, là hành động cố ý đọc chậm hơn và suy nghĩ nhiều hơn với mục đích "đào sâu" để hiểu và thưởng thức một tác phẩm. Nó đối lập với việc đọc lướt hoặc đọc hời hợt. Tác giả Robert Waxler và Maureen Hall cho rằng: "Đọc sâu đòi hỏi con người phải rèn luyện và phát triển các kỹ năng chú ý, suy nghĩ và nhận thức đầy đủ".
Ảnh: Sixteen Miles Out from Unsplash
Bạn đang đọc sách như thế nào? Bạn có đọc sâu không?
Bạn có thấy khó để đọc sâu không? Hoặc bạn có thường quên những gì mình vừa đọc lướt trên thiết bị điện tử không?
Những câu hỏi này khiến mình giật mình nhìn lại cách đọc hiện tại. Khi lượng thông tin xuất hiện dày đặc mỗi ngày, mình đang đọc rất nhiều. Thế nhưng khả năng dừng lại để suy ngẫm, hay để nhớ chính xác, trọn vẹn một bài viết nào đó lại thưa dần theo thời gian. Bạn có như mình không?
Trong thời đại kỹ thuật số, thật khó để từ chối sự tiện lợi mà các thiết bị thông minh mang lại cho cuộc sống. Đọc lướt đã trở thành một cách đọc bình thường mới - cách chúng ta thích nghi để xử lý khối lượng thông tin khổng lồ hằng ngày. Đọc sâu đã trở thành một nghệ thuật bị lãng quên khi màn hình kỹ thuật số lên ngôi và làm cho khả năng tập trung của chúng ta ngày càng ngắn đi. Chúng ta dần ít đọc sâu - ít dành thời gian đọc chậm để đắm mình thưởng thức, chiêm nghiệm và cảm nhận một tác phẩm.
Có lẽ bạn đã từng trải nghiệm đọc sâu ít nhất một lần trong đời, qua một câu chuyện viễn tưởng yêu thích hay một tác phẩm phi hư cấu. Bản thân mình từng trải nghiệm cảm giác này khi lần đầu đọc quyển Nhà giả kim của nhà văn Paulo Coelho. Thời sinh viên, mình đã đọc một mạch hết quyển sách trong đêm với cảm giác vui mừng tột độ, như thể vừa khám phá ra một bí mật quý báu. Không những thế, mình còn lật đi lật lại để đọc lại những đoạn yêu thích rồi nhắm mắt tưởng tượng đến sa mạc, ốc đảo và cả hành trình của chàng chăn cừu. Thậm chí, đêm đó mình còn mơ thấy mình như nhân vật chính của truyện đang đi dưới bầu trời đầy sao giữa đêm lạnh sa mạc.
Thay vì lướt qua những bài viết thường gặp trên mạng và vô số thứ gây xao nhãng khác, bạn hãy thử chậm lại và tập trung vào những quyển sách của mình. Tự khắc bạn sẽ hiểu rõ giá trị của việc đọc sâu.
Giá trị của việc đọc sâu là gì?
Bên cạnh niềm vui từ việc đắm mình vào một chủ đề khiến bạn mê mẩn, đọc sâu còn mang lại một số lợi ích đáng kể mà thời đại số đang lấy đi của chúng ta. Trước hết, đọc sâu cho phép ta khám phá và kết nối với thế giới thông qua những câu chuyện.
Thông qua việc đọc sâu, chúng ta không chỉ thỏa thích khám phá thế giới và kiến thức mà còn tìm hiểu và khám phá chính bản thân chúng ta. Đó là sự phát triển các kỹ năng nhận thức quan trọng như lập luận, phân tích, phê bình, phản ánh, cũng như nuôi dưỡng một cái nhìn sâu sắc.
Đọc sâu khiến bạn suy nghĩ, cảm nhận và dạy bạn rất nhiều, cả về thế giới và cách viết. Nó có thể truyền cảm hứng cho bạn, thúc đẩy bạn, thay đổi bạn - và chúng ở lại với bạn lâu hơn rất nhiều so với việc đọc lướt. Thật vậy, mãi đến giờ, sau gần mười năm đọc Nhà giả kim mình vẫn nhớ nhiều chi tiết trong sách, đặc biệt là câu nói có tác động mạnh mẽ với cuộc đời mình là “Khi bạn mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp sức lại giúp bạn đạt được điều đó”. Đó như một loại động cơ thúc đẩy mình theo đuổi những điều mình mong ước, trong đó có viết và chia sẻ như hiện tại đây.
Ảnh: Liana Mikah from Unsplash
Mẹo để tạo trải nghiệm đọc sâu
Đọc sâu là một hoạt động có chủ ý. Bạn có thể trải nghiệm ở bất cứ thể loại sách nào mà bạn thích hoặc một lĩnh vực bạn muốn đào sâu, ví dụ như triết học hoặc tâm lý. Và đọc sâu không yêu cầu bất kỳ chiến lược cụ thể nào, tất cả những gì bạn cần làm là đọc ở tốc độ cho phép bạn hấp thu đầy đủ thông tin và suy ngẫm về nội dung một cách thoải mái.
Tất nhiên, có một số mẹo để thu hút bạn vào việc đọc hơn và biến nó thành một trải nghiệm sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn, cụ thể là:
Dừng lại và suy nghĩ: Khi gặp một đoạn sách khiến bạn bối rối hoặc hoặc cần phải đào sâu, hãy dừng lại và cho phép bản thân suy nghĩ về nó trước khi tiếp tục.
Đọc lại: Để hiểu rõ và áp dụng hiệu quả bất cứ điều gì, chúng ta đều phải đọc lại. Ngoài ra, việc đọc lại một tác phẩm yêu thích cũng là một trải nghiệm thú vị. Bạn không thể đoán được bạn sẽ học thêm được bao nhiêu điều, nhặt ra được bao nhiêu chi tiết mới mà bạn đã bỏ lỡ trước đó. Như mình đây, dù đã đọc quyển Tôi đi tìm tôi của cô Nguyễn Phi Vân đến lần thứ ba, mình vẫn trầm trồ vì những phát hiện mới và những tầng nghĩa học được trong mỗi câu chuyện.
Ghi chú: Đừng ngần ngại viết vào sách hoặc sổ ghi chú. Chúng sẽ có ích khi lưu giữ những ý tưởng, những điều ấn tượng và càng hữu ích hơn khi bạn xâu chuỗi những điều đã học được lại với nhau.
Tham gia một nhóm đọc sách: Trong nhóm đọc sách không chỉ có những người bạn đồng hành “cùng vibe” mà còn mang lại cơ hội để bạn hiểu sâu hơn về những cuốn sách thông qua bài viết chia sẻ, thảo luận trực tuyến. Thậm chí, nếu hữu duyên bạn còn có thể gặp các thành viên nhóm trong các buổi offline để được biết thêm nhiều sách hay và chia sẻ sâu hơn về những quyển sách yêu thích.
Kỷ luật: Đọc sâu giữa rừng thông tin mỗi ngày là điều không hề dễ dàng, nhưng thật may thay, chúng ta vẫn có thể rèn luyện. Bằng cách duy trì việc đọc sâu đều đặn mỗi ngày, nghiêm túc và tự kỷ luật, dần dần bạn sẽ tự tìm lại được khả năng đọc sâu của mình.
Đọc sâu có rất nhiều lợi ích nhưng có thể hơi khó để bắt đầu ngay, nhất là khi chúng ta đã quá quen với việc đọc lướt mỗi ngày. Vì vậy, bạn có thể điều chỉnh dần bằng cách kết hợp giữa đọc sâu trên sách và đọc lướt trên máy. Tuy không phải là giải pháp dễ dàng, nhưng một khi vượt qua những rào cản ban đầu, bạn sẽ thấy mình nhanh chóng đắm chìm vào văn bản và khám phá được giá trị của việc đọc sâu.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Mời bạn để lại góp ý hoặc cảm nhận của bạn ở phần bình luận và ghé thăm mình tại Facebook để kết nối nhiều hơn nha!
Đọc thêm: