top of page

Cho não đi dạo: bí quyết để luôn dồi dào ý tưởng

Người La Mã cổ đại có một cụm từ đặc biệt là solvitas perambulum, nghĩa là giải quyết vấn đề khi đang dạo chơi. Chính trong những lúc cho não đi dạo thảnh thơi như thế, hai bán cầu não mới có thể “giao tiếp” với nhau, nhờ vậy não bộ được thắp sáng bởi trí tưởng tượng. Đây cũng là lúc nguồn mạch sáng tạo được khơi thông.


“Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức, bởi lẽ trí tưởng tượng là vô hạn”. (Einstein)

Là một người sáng tạo nội dung, một người viết đôi khi chúng ta lại rơi vào tình trạng bí ý tưởng, cảm thấy cạn kiệt nguồn cảm hứng. Vậy làm thế nào để luôn có được nguồn ý tưởng dồi dào? - "Cho não đi dạo" chính là từ khóa!


Hoà vào thiên nhiên


Nhà mình ở cuối xóm, mấy mươi năm trước còn ít có điều kiện tiếp xúc bên ngoài. Ôm giấc mơ muôn màu từ những câu chuyện cổ tích, mình thỏa sức thả hồn trong vườn, như một vương quốc riêng. Mấy cây bẹ dừa, vài tàu lá chuối cũng có thể trở thành lâu đài, nơi công chúa đợi hoàng tử đến. Một vài lá rụng, trét thêm lớp đất sét, đào một cái lỗ bắt bếp, mình mơ đang nướng món thịt thơm lừng, ngon nhất thế gian. Hay chẻ một bẹ môn, nhét vào ít cọng ngò, mấy lát môn, rắc thêm tí cát, thế là bánh mì nóng giòn ra đời.


Vậy đó, có hôm chơi môn ngứa ran, còn bị đánh đòn vì tội chơi ngu nhưng đó là những khoảnh khắc đáng quý của mình. Đó là cơ hội để mình được khám phá thế giới qua lăng kính tràn ngập màu ngây thơ. Nơi thiên nhiên chắp cánh, tạo cảm hứng để trí tưởng tượng bay xa, phát triển khả năng hình dung và dự đoán. Và chẳng thể kể hết những lợi ích của thiên nhiên đối với sự phát triển của mình.


Giờ đây khi đã trưởng thành, mình vẫn hòa vào thiên nhiên mỗi ngày với bàn làm việc ngay khung cửa sổ ngước mặt lên đã thấy trái cây, chim chóc; với bước chân đi trên cỏ hít hà không khí trong lành mỗi ráng; với những chiều dạo chơi trong sân, hái hoa xếp thành vòng Mandala xoa dịu tâm hồn và khơi gợi ý tưởng.


Ảnh: Thúy Ngô


Những câu chuyện kể


Nếu tìm kiếm một nơi lý tưởng “cho não đi dạo”, thì đó là tinh cầu của những câu chuyện kể. Con đường quê ngoằn ngoèo, khó đi có thể ngăn mình kết nối với thế giới bên ngoài về mặt địa lý. Nhưng tâm trí mình luôn sẵn sàng cho những chuyến đi. Đó là những chuyến phiêu lưu có phần mạo hiểm thông qua tuyển tập câu chuyện trải đời của cha. Những trải nghiệm thực tế được kể chi tiết, mạch lạc, thêm giọng điệu sống động, lôi cuốn. Ông đưa mình đi qua hết chặng đường này đến chặng đường khác và cho đến tận bây giờ. Những lúc như vậy, trí tưởng tượng của mình bay bổng, não được dịp du hành vượt cả không gian, thời gian; không ràng buộc, không phán xét.


Khi trở thành một người viết, nguồn cảm hứng của mình trở nên đa dạng hơn với câu chuyện của người thân, bạn bè thậm chí cả những người bạn online. Tất cả là những chất liệu quý cùng những thông điệp, bài học ý nghĩa mà mình được học và chia sẻ đến mọi người.


Chạy xe


Cách này luôn hiệu nghiệm suốt hai mươi năm nay. Lúc mình chạy xe, não lại vượt ra khỏi những giới hạn của môi trường xung quanh và thực tại, chìm vào thế giới mộng mơ. Mình lái xe, não thì đi lang thang, tha hồ khám phá những ngóc ngách. Và nó chỉ chịu dừng lại khi mình đã đến nơi. Não như chạy băng băng vào vùng hoang dã, đắm mình tận hưởng chuyến diễn tập để nuôi dưỡng bộ óc sáng tạo.


Vì não bận du lịch, nên có hôm về đến nhà mà mình chẳng có chút ý niệm gì về việc vừa mới đi ngoài đường. Càng ngáo ngơ khi chị cùng phòng kể đến những cửa hiệu ven đường, những dòng xe, mình giật mình vì ít khi để ý đến. Lạ kỳ, rất nhiều ý tưởng xuất hiện lúc chạy xe đã thành hiện thực, nhiều bài viết đang tắc nghẽn nhờ đó mà khơi thông.


“Cho não đi dạo” và chánh niệm


Việc não rong chơi quên lối về diễn ra thường xuyên cho đến khi mình học thiền, vào khoảng vài năm trước. Trong lúc học thiền, mình được luyện về chánh niệm. Chánh niệm được định nghĩa là tập trung vào việc đang xảy ra ngay thời khắc hiện tại, thay vì để tâm trí rong ruổi trong những mơ mộng, ý tưởng và dự định. Sau thời gian dài luyện tập, vật lộn với hàng đống suy nghĩ, mình đã dần không suy nghĩ lúc rửa chén, giặt đồ, ăn cơm… Nhưng thú thật, nếu có bảng xếp hạng thiền sinh, mình sẽ đội sổ vì chưa bao giờ có thể ngồi yên mà ý nghĩ thôi phiêu lãng.


Thiền mang lại cho mình rất nhiều lợi ích, nhưng khi là một người viết, mình dành nhiều thời gian ở trong thế giới tưởng tượng, cho não mặc sức đi hoang. Vấn đề là, mình làm thế nào sống được trong chánh niệm trong khi vẫn sống với những hình ảnh tưởng tượng và mộng mơ? Mình cũng không biết nữa, chỉ biết bản thân cảm thấy ngột ngạt đến trống rỗng trong bộ óc bị xà lim khoá chặt. Vì vậy, khi đến với viết, mình chọn để não được tự do.


Những cuộc đi dạo đã thắp sáng bộ não của mình. Nó cho phép mình hình dung ra được kết quả cuối cùng, nhờ vậy, nhiều điều kì diệu đã xảy đến. Hơn hết, đôi lúc còn giúp mình tìm được lối thoát trong những vấn đề hóc búa.


Mình xin mượn lời nhà văn J. K. Rowling để khép lại bài:

“Chúng ta không cần phép lạ để sửa đổi thế gian này, chúng ta đã có sẵn trong người sức mạnh mà chúng ta cần: chúng ta có sức mạnh tưởng tượng những gì tốt lành hơn”.

Trí tưởng tượng là đặc quyền của con người, đặc biệt là những kẻ thẩn thơ yêu chữ như chúng ta, nên tội tình chi mà trói buộc trí não mình, nhỉ!



Đọc thêm:



19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
  • Instagram
  • Facebook
  • LinkedIn
oi image.jpg
Xin chào,

Mình là 

Thúy là một freelancer, một người sáng tạo nội dung tại thuygarden. Hiện tại mình đang theo đuổi lối sống xanh - tỉnh thức, dần quay về với "khu vườn" của chính mình.

Cám ơn bạn đã ở đây, cùng mình khám phá, trải nghiệm từng sắc màu của khu vườn. Hy vọng từ khu vườn chữ này có thể khởi lên những hạt mầm về một lối sống xanh bền vững cho cả thân và tâm!

  • Facebook
  • Instagram
Thúy-Ngô.jpg
bottom of page